Năm 2024, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định
(binhthuan.gov.vn) Theo Cục Thống
kê, năm 2024, hoạt động thương mại, dịch vụ địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì ổn định,
đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.
Theo đó, năm 2024 tổng mức bán lẻ
hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 110.498,6 tỷ đồng, tăng 15,72%
so với năm trước. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 70.999,9 tỷ đồng,
tăng 15,46% so với năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt
25.099,6 tỷ đồng, tăng 14,40% so với năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ
khác ước đạt 14.399,1 tỷ đồng, tăng 19,46% so với năm trước. Cùng với đó, trong
năm, doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ
ước đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 1,81% so với năm trước.
Riêng trong tháng 12/2024, dự ước
tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng 12 đạt
9.840,4 tỷ đồng, tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 12,11% so với cùng kỳ
năm trước. Trong đó, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 6.438,6 tỷ đồng, tăng
12,46% so với cùng kỳ năm trước (nhóm lương thực, thực phẩm đạt 3.179,3 tỷ đồng;
nhóm hàng may mặc đạt 244,9 tỷ đồng; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia
đình dự ước 524,9 tỷ đồng; nhóm xăng dầu các loại dự ước 1.168,7 tỷ đồng…).
Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành trong tháng ước đạt 2.232,7 tỷ đồng, tăng
3,23% so với tháng trước và tăng 16,30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các
ngành dịch vụ khác cũng đạt 1.169,1 tỷ đồng, tăng 1,44% so với tháng trước và
tăng 3,24% so với cùng kỳ.
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi
dào trên thị trường, giữ giá cả ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong
dịp Tết Nguyên đán 2025, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, UBND tỉnh đã
có Kế hoạch số 4686/KH-UBND ngày 11/12/2024 về dự trữ hàng hóa thiết yếu để
bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Kế hoạch
đặt mục tiêu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, đồng thời
thúc đẩy đưa hàng hóa về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và
các khu, cụm công nghiệp, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam”. Giá bán của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn luôn
thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường cùng thời điểm cho sản phẩm tương tự. Dự
kiến tổng mức dự trữ hàng hóa thiết yếu trong kế hoạch này là 420,96 tỷ đồng.
Các mặt hàng thiết yếu như gạo: 9,48 tỷ đồng; thực phẩm ăn liền (mì, phở, cháo
gói): 32,98 tỷ đồng; ngũ cốc: 3,4 tỷ đồng; đường ăn: 5 tỷ đồng; dầu ăn: 8,97 tỷ
đồng; thịt gia súc, gia cầm: 34,3 tỷ đồng; sữa các loại: 18,3 tỷ đồng; rau củ
quả: 10,08 tỷ đồng;…
Cục Quản lý thị trường cũng đã tăng
cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh về cao điểm chống
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước,
trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong năm 2024, đã kiểm tra 555 vụ,
phát hiện và xử lý 275 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là
5.132,81 triệu đồng.
TT Dân