Tượng Avalokitesvara Bắc Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia
(binhthuan.gov.vn) Phó
Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo
vật quốc gia (đợt 13, năm 2024), trong đó có tượng Avalokitesvara Bắc Bình có
niên đại thế kỷ VIII - IX đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận là tác phẩm
nghệ thuật điêu khắc đá thuộc nền văn hóa Chăm Pa với nhiều giá trị văn hóa độc
đáo.
Tượng Avalokitesvara Bắc Bình được
người dân tình cờ phát hiện trong quá trình làm nương rẫy tại khu vực thôn
Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận từ trước năm 1945
cùng với 4 pho tượng đá khác. Năm 1996, tượng Avalokitesvara được người dân đem
chôn giấu trong vườn nhà. Đến năm 2001, ông Ngô Hiếu Học ở thôn Hồng Chính, xã
Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận trong quá trình đào móng xây trụ cổng
đã phát hiện pho tượng này và bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh.
Tượng Avalokitesvara Bắc Bình được
chế tác từ đá sa thạch hạt mịn màu xám đen, chiều cao 61cm, trọng lượng 13kg.
Hiện vật đã bị gãy mất từ dưới cổ chân, một phần lớn cánh tay bên phải. Tuy
nhiên, phần còn lại vẫn phản ánh đầy đủ đặc điểm cơ bản.
Tượng Avalokitesvara Bắc Bình được
trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận
Nét độc đáo nổi bật của tượng Avalokitesvara
Bắc Bình là vừa có đặc điểm đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa, vừa có
mối quan hệ gần gũi với các điêu khắc đá đặc trưng của miền hạ lưu sông Mê
Kông, thể hiện đậm nét ở chất liệu sa thạch mịn màu xám đen cùng với cấu trúc
cung đỡ phía sau tượng tròn trên tượng này.
Nghệ thuật tạo hình tôn giáo nói
chung và nghệ thuật điêu khắc đá nói riêng là một trong những thành tựu nổi bật
của nền văn hóa Chăm Pa. Trong số này, số lượng điêu khắc tượng thờ có niên đại
trước thế kỷ IX còn lại đến ngày nay là không nhiều. Riêng với nhóm tượng tròn
và có tình trạng còn phản ánh đầy đủ đặc điểm kiểu loại và nghệ thuật biểu tượng
như trên tượng Avalokitesvara Bắc Bình là duy nhất hiện còn.
Tượng Avalokitesvara Bắc Bình là
tư liệu lịch sử quý, hiếm, không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu
văn hóa mà còn phản ánh thành tựu văn hóa- lịch sử của cư dân Chăm Pa trong quá
trình lao động và sáng tạo không ngừng để tạo ra những giai đoạn phát triển đỉnh
cao và một nền nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc vô cùng rực rỡ trong kho tàng lịch
sử nghệ thuật vô cùng phong phú của dân tộc Việt Nam.
Về giá trị lịch sử, tượng
Avalokitesvara Bắc Bình là hiện vật tiêu biểu cho quá trình phát triển mang tính
chất chuyển biến từ phong cách nghệ thuật tạo hình thế kỷ VII - VIII sang giai
đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình văn hóa Chăm Pa là phong cách
nghệ thuật Trà Kiệu (thế kỷ IX) và phong cách nghệ thuật Đồng Dương (thế kỷ IX
- X). Trên cơ sở những đặc điểm độc đáo riêng, cùng với giá trị lớn về mặt lịch
sử - văn hóa, có thể thấy tượng Avalokitesvara Bắc Bình là tư liệu quan trọng đối
với quá trình nghiên cứu và nhận định lịch sử hình thành và phát triển của vùng
đất Nam Trung Bộ nói riêng, diện mạo lịch sử văn hóa Chăm Pa nói chung, góp phần
làm rõ tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam.
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận,
trong thời gian tới, Bảo tàng đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quảng bá để
nâng cao nhận thức của người về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo vật
quốc gia; lập phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn cho bảo vật quốc gia;
đồng thời tăng cường công tác quản lý và phát huy giá trị bảo vật quốc gia
thông qua công tác trưng bày, triển lãm, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tham quan,
nghiên cứu, tìm hiểu của người dân và du khách…Trước đó, Linga vàng ở Bình
Thuận cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
TT Dân