Tăng cường các giải pháp quản lý, vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh
(binhthuan.gov.vn)
Tính đến nay, toàn tỉnh có 40 hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng, trong đó
có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa, 12 hồ chứa nước nhỏ. Trong thời
gian qua, các hồ chứa đang khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, cơ bản giải
quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế
khác của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành hồ chứa hiện nay đang đối
diện với các thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và sự phát
triển kinh tế, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày càng tăng…
Để chủ động
trong công tác quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và an toàn cho vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ cấp nước của hồ chứa theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố
tăng cường các giải pháp quản lý, vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi
trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác
công trình thủy lợi, khảo sát, đánh giá tổng thể hồ chứa đang khai thác sử dụng,
trong đó đánh giá cụ thể về dung tích hồ chứa, vùng tưới, diện tích thực tế
đang phục vụ và các nhu cầu sử dụng nước khác; phối hợp với các địa phương nơi
có hồ chứa và các Sở, ngành liên quan đánh giá nhu cầu khai thác đa mục tiêu tại
các hồ chứa. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham mưu đề xuất
UBND tỉnh xem xét, cân đối bố trí kinh phí quản lý an toàn đập; đầu tư sửa chữa,
nâng cấp các đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng xuống cấp nhằm nâng cao mức đảm bảo
an toàn. Tăng cường kiểm tra, rà soát yêu cầu về năng lực đối với các tổ chức, cá
nhân khai thác công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo quy định của
Chính phủ.
Công ty TNHH
MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có
liên quan rà soát, lập, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa, trong đó tập
trung vào các hồ chứa có cửa van, tính toán đến những ảnh hưởng ở vùng thượng
lưu, hạ lưu, trách nhiệm vận hành trong các tình huống khẩn cấp, bảo đảm an
toàn công trình và vùng hạ du. Bên cạnh đó, đánh giá năng lực thoát lũ của các
hồ chứa, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn công trình và
hạ du hồ chứa, như nâng dung tích phòng lũ, nâng cao năng lực xả, bố trí tràn sự
cố và các biện pháp bảo đảm an toàn ở hạ du; tăng cường công tác kiểm tra, đánh
giá hiện trạng an toàn công trình trước mùa mưa, lũ để quyết định phương án
tích nước và giải pháp bảo đảm an toàn công trình, hạ du hồ chứa. Chủ động thực
hiện các giải pháp quản lý, khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu, sử dụng hiệu
quả hồ chứa, góp phần phát triển kinh tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến,
chuyển đổi số phục vụ quản lý vận hành; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo
trong mùa mưa, lũ hướng tới vận hành thông minh các hồ chứa. Củng cố, đào tạo lực lượng quản lý, vận hành
hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy
định mới.
Nguyễn Phương