Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp
(binhthuan.gov.vn) Ngày 18/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày
15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ
trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá
sản doanh nghiệp, hợp tác xã (viết tắt là Nghị định số 117/2024/NĐ-CP và Nghị
định số 82/2020/NĐ-CP) và có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024; Nghị định số
117/2024/NĐ-CP đã bổ sung mới một số hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt
trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp. Cụ thể như sau:
1. Thứ nhất, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
a)
Đối với hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư: Bổ sung quy định xử phạt vi phạm
hành chính đối với hành vi thực hiện hoạt động dịch vụ pháp lý khác không đúng
theo quy định tại Điều 30 của Luật Luật sư sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng
đến 40.000.000 đồng. Nghị định số 117/2024/NĐ-CP đã bổ sung biện pháp
khắc phục hậu quả là buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký
hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước
ngoài bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm
quyền đã cấp đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung chứng chỉ
hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư
tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, văn bản thông báo về việc đăng ký bào
chữa, thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
b)
Đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư: (i) Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi
không thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động sau khi đăng ký
hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư sẽ bị phạt tiền từ
7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: (ii)
Bổ sung mới hành vi không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định
và hành vi không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định sẽ bị
phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
c)
Đối với hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng: Bổ sung quy định xử phạt vi phạm
hành chính đối với hành vi công chứng viên hướng dẫn tập sự không nhận xét đầy
đủ theo quy định về quá trình tập sự hành nghề công chứng đối với người tập sự
do mình hướng dẫn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Nghị
định số 117/2024/NĐ-CP cũng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại
thẻ công chứng viên bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan,
người có thẩm quyền đã cấp đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội
dung quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc thẻ công chứng
viên.
d)
Đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng: (i) Bổ sung 04 trường hợp vi phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng
đến 20.000.000 đồng gồm: Vi phạm quy định về thông báo và gửi bản sao hợp đồng
bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp
của công chứng viên cho Sở Tư pháp khi mua bảo hiểm hoặc thay đổi, gia hạn hợp
đồng bảo hiểm; không thực hiện việc tiếp nhận đầy đủ hồ sơ công chứng của Phòng
công chứng bị giải thể hoặc văn phòng công chứng chấm dứt hoạt động theo chỉ
định của Sở Tư pháp; tiếp nhận thành viên hợp danh mới của văn phòng công chứng
không đúng quy định của pháp luật và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của
văn phòng công chứng không đúng quy định của pháp luật; (ii) Bổ sung mới hành vi không vào sổ công chứng đối với hồ sơ đã
được công chứng bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
đ) Đối
với hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp: Bổ sung quy định xử phạt vi phạm
hành chính đối với hành vi từ chối tiếp nhận, thực hiện giám định tư pháp mà
không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000
đồng.
e)Đối
với hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu
giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản: (i) Bổ sung 02 trường hợp vi phạm bị phạt tiền từ 7.000.000
đồng đến 10.000.000 đồng gồm: Không thông báo hoặc thông báo công khai kết quả
lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản không đúng thời hạn hoặc không đúng mẫu quy
định; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thuộc trường hợp bị từ chối đánh giá hồ
sơ đăng ký tham gia lựa chọn theo quy định pháp luật; (ii) Bổ sung 03 trường hợp vi phạm bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng
đến 30.000.000 đồng gồm: Không xem xét, xác minh thông tin phản ánh về việc tổ
chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông
tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn; không báo cáo cơ quan có
thẩm quyền về việc lựa chọn và kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản kèm
theo kết quả xác minh trong trường hợp tổ chức đấu giá tài sản cố ý cung cấp
thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng
ký tham gia lựa chọn và không đánh giá, chấm điểm theo các tiêu chí lựa chọn tổ
chức đấu giá để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
f) Đối
với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản: Bổ sung 02 trường hợp vi phạm bị phạt
tiền từ 3.000.000 đến 7.000.000 đồng gồm phân công 01 đấu giá viên hướng dẫn từ
03 người trở lên tập sự hành nghề đấu giá tại cùng một thời điểm và không lưu
hình ảnh niêm yết trong hồ sơ đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản theo quy
định.
g) Đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa
phát lại: Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với
hành vi phân công thừa phát lại không đủ điều kiện hướng dẫn tập sự sẽ bị phạt
tiền từ 3.000.000 đến 7.000.000 đồng.
2. Thứ hai, trong lĩnh vực hành chính tư pháp
a)
Đối với hành vi vi phạm quy định về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực
chữ ký: Bổ sung 02
trường hợp vi phạm bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng gồm: không
chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu
chứng thực chữ ký; cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi
thay đổi chữ ký theo quy định.
b)
Đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động hòa giải ở cơ sở: Đây là lần đầu tiên hành vi vi phạm
quy định trong hoạt động hoà giải ở cơ sở bị xử phạt hành chính. Theo đó, người
có hành vi cản trở hoạt động hòa giải ở cơ sở đối với tổ hòa giải, hòa giải
viên hoặc cản trở các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải ở cơ
sở sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài
lĩnh vực bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp, Nghị định số 117/2024/NĐ-CP còn
bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh
dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bị phạt tiền
từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời bổ sung quy định về xử phạt
vi phạm hành chính về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ
biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Theo đó, luật sư,
tổ chức hành nghề luật sư, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có
hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ
phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thì bị xử phạt
theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Với
việc bổ sung các hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp tại Nghị định số 117/2024/NĐ-CP đã góp phần
khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn công tác xử phạt vi
phạm hành chính trong công tác này, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước./.
Hải Lam Phương