(binhthuan.gov.vn) Sáng 21/2, Thủ tướng Chính
phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết
luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh
tế. Cùng chủ trì và tham dự hội nghị tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng
Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Dự tại điểm
cầu tỉnh Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh; Phó
Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn
Minh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự
báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen có thể tác động
không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước ta. Tuy nhiên, từ thực tiễn và yêu cầu
phát triển đặt ra, Chính phủ đã chủ động phấn đấu và trình Trung ương Đảng, Quốc
hội ban hành Kết luận, Nghị quyết để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt
8% trở lên. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ
mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và nâng cao đời sống
người dân, bảo vệ môi trường... Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số
01/NQ-CP, số 25/NQ-CP xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực năm
2025; yêu cầu các địa phương phải tăng trưởng bứt phá, từ 8% trở lên.


Báo cáo cũng đã xác định 8 động lực
tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương năm 2025 như: Những thành tựu của
đất nước, các ngành, lĩnh vực, địa phương sau 40 năm Đổi mới, tạo vị thế, uy
tín và động lực cho tăng trưởng cao trong thời gian tới; áp dụng sáng tạo các
bài học kinh nghiệm đã được Trung ương, Chính phủ tổng kết, rút ra trong công
tác chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, nhất là trong năm 2024; tư duy mới, cách
làm mới, thể chế mới, đột phá và các chính sách, giải pháp linh hoạt, đồng bộ,
sáng tạo trong triển khai thực hiện; hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng
tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư,
tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các hành lang kinh tế, không gian, động
lực phát triển mới từ các dự án hạ tầng chiến lược, các thị trường xuất khẩu mới,
tiềm năng...
Về giải ngân vốn đầu tư công, năm
2024 ước thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2025 là hơn 635 ngàn
tỷ đồng, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến ngày 31/1/2025, các
bộ, cơ quan, địa phương đã phân bổ chi tiết hơn 741 ngàn tỷ đồng, đạt 89,7% kế
hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự
đã tập trung tham luận đề xuất các giải pháp và kiến nghị để thực hiện mục tiêu
tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị được tổ chức để thực hiện các kết
luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phấn đấu tăng
trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025. Trong đó, nước ta phải tiếp tục tinh
gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, ngày
kỷ niệm trọng đại để tăng cường giáo dục truyền thống, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần
yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tự tin, khát vọng phát triển; tổ chức
thành công Đại hội Đảng các cấp cả về đường lối, nhân sự và bảo đảm an toàn, tiến
tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù đạt được
nhiều kết quả, song tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải
tiếp tục nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn thì mới đưa đất nước vươn mình,
phát triển nhanh, bền vững, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ngày
càng hạnh phúc và ấm no.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng
yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, vận dụng sáng tạo, hiệu quả các
nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan, Bí thư, Chủ
tịch UBND các tỉnh, thành phố; vào cuộc sát sao, xây dựng kế hoạch triển khai,
giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho cấp dưới để thực hiện. Tập trung đẩy mạnh thực
hiện mục tiêu tăng năng suất tổng hợp, năng suất lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục
hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá” và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức
thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh
cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu
tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công
dẫn dắt đầu tư tư. Phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch,
thuận lợi, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; tăng cường xúc tiến, thu
hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào
hoạt động. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát
triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung thực hiện, sớm
hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Về tiêu dùng, phát
triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến, quảng
bá du lịch, có chính sách visa phù hợp để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, cần giữ
vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền
kinh tế. Giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường phòng, chống
thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
TT Dân