Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
(binhthuan.gov.vn) Sáng
18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển
khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới
công tác xây dựng thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong
kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát
triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức
trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng,
Nhà Quốc hội tới các điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… Tham dự Hội
nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ tịch nước
Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí nguyên lãnh đạo
Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; lãnh đạo
các bộ, ban, ngành, địa phương… cùng hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh
Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo
các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tại hội nghị, trình bày chuyên đề nội
dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính
trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số
68-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 68 được xây
dựng, ban hành rất nhanh dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Sau khi Nghị
quyết 68 được ban hành, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị
quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời,
nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc rất khẩn
trương, nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng
Bí thư.
Thủ tướng tập trung trình bày 5
nhóm nội dung chủ yếu gồm: Khái quát thực trạng khu vực KTTN; Các nội dung cốt
lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; Các nội dung chủ yếu của Nghị quyết
số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính
phủ; Các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của
Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và
Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị
quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; Tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cho biết, để đạt được
các mục tiêu đề ra, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh
thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược
(về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết
quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội
nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng
và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nội
dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề
quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là đổi
mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng
cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo,
chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân
lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; phát huy vai trò
của đội ngũ doanh nhân.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần
Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số
66-NQ/TW, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi
hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch
hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”. Theo đó, Nghị quyết số 66-NQ/TW
xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng,
đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện
nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục,
thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát
sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và
doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam
là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc
tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa
đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho
hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn
thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư
của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến
năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn
mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện
nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người,
quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của
mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn,
hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền
vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ
nghĩa vào năm 2045.

Sau khi nghe các chuyên đề, Tổng
Bí thư Tô Lâm đề nghị, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng,
chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng
vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Theo đó, toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động,
sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân,
làm cho Nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi
người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển
đất nước.
Lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến
địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám
nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí
dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải
được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực
và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những Nghị quyết mới
theo phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của
dân”, như Bác Hồ từng dạy.
Người dân và doanh nghiệp phải được
xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ
tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn
xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần
hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban
Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của
đồng chí Tổng Bí thư và hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực
hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
TT Dân