Hội nghị trực tuyến thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
(binhthuan.gov.vn) Sáng
20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng
đầu tư công năm 2025; với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm
2025 (mục tiêu trước đây là 95%). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở
Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị
có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng
Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các
tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận
có Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy; lãnh đạo các sở ban ngành liên quan.

Trong 5 tháng đầu năm, nhờ có sự
vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ,
phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt,
hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các
bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi,
đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo
đảm, lạm phát được kiểm soát,... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư
công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch
phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm
2025 tổng số vốn được Quốc hội quyết nghị là hơn 829.365 tỷ đồng, trong đó: Đã
phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hơn 825.922 tỷ đồng; chưa
phân bổ khoảng 3.443 tỷ đồng vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Căn cứ
quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao
100% kế hoạch vốn năm 2025 đã được Quốc hội phân bổ. Đến ngày 30/4/2025, các bộ,
cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025
chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 817.968 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ
tướng Chính phủ giao.

Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày
30/4/2025 khoảng 128 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ
giao, cùng kỳ năm 2024 giải ngân khoảng 110 nghìn tỷ đồng, đạt 16,64%. Giải
ngân vốn ngân sách trung ương đạt khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Thủ
tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn ngân
sách địa phương khoảng 81.818 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ
giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%). Giải ngân vốn của 03 Chương trình mục
tiêu quốc gia (CTMTQG) là 4.707 tỷ đồng (đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ
giao). So với kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4, tiến độ giải
ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024.


Tại Bình Thuận, năm 2025 tổng kế
hoạch vốn đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.942 tỷ đồng.
Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn năm 2025 cho các
chương trình, dự án. Trong tháng 5/2025 các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu
tư đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhờ
đó giá trị giải ngân đến ngày 15/5 khoảng 1.122 tỷ đồng, đạt hơn 22,3%, ước giải
ngân 6 tháng đầu năm là 2.308 tỷ đồng, đạt khoảng 45,8%.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ
tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu nêu được
những kết quả nổi bật, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp cụ
thể, khả thi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Thủ
tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sớm
hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kết luận bảo đảm “rõ người, rõ
việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”, làm cơ sở tổ chức
triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng
nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo
công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn; tạo
không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả
năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần
khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn
lực xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo cần huy động cả
hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; những dự án khó, phức tạp
thì Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo; vận dụng sáng tạo các quy định, trong
đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở. Lãnh đạo các bộ
ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh
thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo, tích cực tổ chức thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời
khó khăn, vướng mắc tại đơn vị mình, tại công trường kịp thời, hiệu quả; triển
khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ;
quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá đầu tư công.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp
tác công tư trong triển khai các dự án; riêng với các dự án mở rộng các tuyến
cao tốc đã vận hành, mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp có đủ uy tín, năng lực,
đã và đang làm tốt. Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của các tổ công tác của
Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án
cao tốc bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra.
TT Dân